Lượng kiều hối về Việt Nam trong 10 năm trở lại đây luôn duy trì vị trí trong Top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới, đạt trên 190 tỉ đô la, riêng năm 2023, lượng kiều hối cả nước ước đạt khoảng 16 tỉ đô la, tăng 32% so với năm 2022.
Điều đáng nói, ước tính mỗi năm có tới 25% lượng kiều hối được “gửi gắm” vào thị trường bất động sản.
Thông tin từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, hiện có khoảng 6 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc tại hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ và khoảng 650.000 lao động xuất khẩu Việt Nam đang hoạt động tại 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Lượng kiều hối về Việt Nam trong 10 năm trở lại đây luôn duy trì vị trí trong Top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới, đạt trên 190 tỉ đô la, riêng năm 2023, lượng kiều hối cả nước ước đạt khoảng 16 tỉ đô la, tăng 32% so với năm 2022. Đáng chú ý, ước tính mỗi năm có tới 25% lượng kiều hối được “gửi gắm” vào thị trường bất động sản.
Theo Ngân hàng Nhà nước, lượng kiều hối tiếp tục duy trì đà tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2024 nhờ Chính phủ đã có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để kiều bào an tâm về nước đầu tư kinh doanh thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.
Các chuyên gia bất động sản cho hay, trong dài hạn dòng kiều hối vẫn là trong những nguồn cầu giúp thị trường phát triển, hướng tới phân khúc sản phẩm căn hộ ở khu vực trung tâm, có thể khai thác vận hành cho thuê hay phân khúc biệt thự cao cấp tại các đô thị lớn và các sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng phù hợp với khả năng chi trả của Việt kiều.
Hiện nay tại Hà Nội và TPHCM, các phân khúc bất động sản nhà ở trung cấp và cao cấp tại khu vực trung tâm luôn thu hút sự quan tâm đầu tư của Việt kiều khi tại nhiều khu vực/dự án luôn đạt tỷ lệ 20 – 30% số lượng sản phẩm bán cho Việt kiều.
Luật Đất đai sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, sớm 5 tháng so với quyết nghị của Quốc hội. Điểm đáng chú ý nhất của Luật này là mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều.
Cụ thể, Khoản 3 và Khoản 6, Điều 4 về “Người sử dụng đất” quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận bao gồm: Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Theo đó, hành lang pháp lý mới với các quy định rõ ràng và cởi mở hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt kiều đầu tư, sở hữu nhà tại Việt Nam. Dòng kiều hối theo đó sẽ tiếp tục “đổ” vào thị trường bất động sản trong nước.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, dòng kiều hối này sẽ là nguồn cầu mạnh mẽ giúp thị trường bất động sản phát triển. Dòng vốn này sẽ hướng tới sản phẩm căn hộ ở khu vực trung tâm và lân cận, có thể khai thác vận hành cho thuê. Việc giá nhà ở một số quốc gia đã quá cao hay việc siết các quy định nhập cư ở một số nước… cũng sẽ khiến nhu cầu sở hữu nhà nảy sinh tại Việt Nam.
Còn theo ông Troy Griffiths, Phó giám đốc Điều hành Savills Việt Nam đánh giá, thay đổi của luật lần này tạo tiềm năng lớn cho thị trường địa ốc nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Việt kiều. Trong quá khứ, người Việt Nam ở nước ngoài muốn đầu tư trở lại trong nước phải thông qua người thân hoặc họ hàng, vì thế đã dẫn đến một số tranh chấp không đáng có. Luật mới sẽ giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư và giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro giữa các bên trong quá trình đầu tư.
Nguồn: https://www.24h.com.vn/bat-dong-san/luong-tien-kieu-hoi-khung-rot-vao-bat-dong-san-c792a1585737.html